5 Phẩm chất dạy con trước 5 tuổi

PHẨM CHẤT 1: TÍNH TRUNG THỰC

Giúp trẻ nói ra được sự thật. Cách tốt nhất để khuyến khích sự trung thực ở trẻ là bản thân bạn phải trung thực. Hãy nghe câu chuyện này: Carol muốn cách ly một thời gian con trai 3 tuổi Chris của mình với bạn của bé là bé Paul, vì gần đây hai đứa hay đánh nhau. Vì thế nên khi mẹ của Paul goi điện để rủ Chris qua chơi với Paul, Carol nói với mẹ Paul là Chris bị ốm. Nghe mẹ nói như vậy, Chris hỏi ngay “Conmà ốm hả mẹ? Con bị làm sao thế?” Thấy con trai hoảng hốt, Carol nói với Chris là chị nói như vậy là vì chị không muốn làm mẹ của Paul buồn. Carol đã đưa mình vào một tình thế khó phải giải thích về sự khác biệt giữa các lời nói dối vì những mục đích khác nhau, và bé Chris hoàn toàn bị lẫn lộn. Tất cả những gì bé hiểu là phịa chuyện đôi khi cũng không sao và trên thực tế người lớn vẫn làm như vậy. Con của bạn sẽ tiếp thu những tín hiệu từ bạn, do đó một điều rất quan trọng là cố gắng tránh bất kỳ lời nói dối nào, ngay cả những gì tưởng chừng như vô hại. Đừng bao giờ nói những câu như “Hai mẹ con mình đừng nói với bố là chiều nay mẹ con mình ăn kẹo nhé”. Hãy để con bạn thấy rằng bạn rất trung thực với những người lớn khác. Trong tình huống vừa rồi, thay vì nói dối mẹ của Paul, Carol có thể nói là “mình nghĩ đừng nên cho bọn trẻ gặp nhau hôm nay vì tuần trước chúng đánh nhau nhiều quá. Có khi phải tách chúng ra ít lâu xem sao”

Một cách khác giúp bé phát triển sự trung thực là bạn đừng nên làm quá lên nếu con bạn chót nói dối bạn. Thay vì đó bạn giúp bé nói ra được sự thật. Khi mẹ của bé Janice 4 tuổi bước vào nhà, chị nhìn thấy cái cây con trồng trong bồn hoa bị bẻ gãy ngọn và vài cành lá rơi xuống sàn. Chị biết ngay việc gì đã xảy ra. Mấy lần trước chị nhìn thấy Janice cho búp bê Barbie của bé “trèo lên cây” và mẹ đã nói với Janice là cái cây bé đó nó không đỡ được búp bê đâu. Khi mẹ hỏi Janice về cái cây bị gãy, mẹ nhìn thấy vẻ mặt tội lỗi của Janice khi bé cố đổ lỗi cho con chó đã làm gãy cây. Mẹ của Janice đã rất tế nhị, mẹ dừng câu chuyện của bé và nói “Janice, mẹ hứa sẽ không quát con. Con hãy nhớ lại trong 1 phút rồi kể lại thật chính xác cho mẹ nghe những gì đã xảy ra nhé” Sau giây lát, bé Janice đã kể lại lỗi của chính mình. Để tự chịu trách nhiệm với hành động mình gây ra, Janice đã phải dọn dẹp sạch sẽ chỗ bừa bãi và không được phép xem TV tối hôm đó, nhưng bù lại, bé lại được mẹ khen ngợi rất nhiều về sự trung thực của bé. Làm như vậy, mẹ đã dạy Janice 1 bài học quan trọng: Đôi khi trung thực không phải là một điều dễ dàng nhưng bạn và những người xung quanh bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều nếu bạn nói ra sự thật.

PHẨM CHẤT 2: TÍNH CÔNG BẰNG

Giúp bé của bạn sửa chữa lỗi lầm bằng hành động. Trong một buổi tụ tập gia đình, Amy và Marcus, hai chị em họ 4 tuổi, đang xây lâu đài bằng những khối gỗ. Bỗng nhiên, Amy phá đổ lâu đài của Marcus và bé Marcus khóc òa lên. Nhìn thấy tất cả những gì xảy ra, bố của Amy mắng bé và đề nghị Amy phải xin lỗi Marcus. Amy đã làm đúng nghĩa vụ của mình – nói lời xin lỗi Marcus. Sau đó bố đưa Amy ra ngoài và hỏi “Sao con lại phá lâu đài của Marcus vậy?” Amy nói với bố là bé tức giận vì lâu đài của Marcus to hơn của bé. Bố nói với Amy rằng mặc dù việc bé làm là sai, nhưng bố hiểu cảm xúc của bé. Rồi bố cho bé quay trở lại chơi. Cách xử lý của bố Amy cũng giống như cách xử lý của nhiều bậc cha mẹ có hiểu biết về tâm lý khác: Bố muốn bé xác định và nói ra được cảm xúc của mình và hiểu được tại sao bé lại cư xử như vậy. Làm như vậy là đúng, nhưng chưa hoàn toàn đủ. Để giúp bé hiểu được khái niệm về sự công bằng và công lý, các bố mẹ cần phải khuyến khích trẻ có hành động nào đó để sửa chữa lỗi của mình. Ví dụ, bố có thể gợi ý để Amy giúp Marcus xây lại lâu đài của mình hay bé sẽ tặng Marcus bánh cookie như một cử chỉ để xin lỗi. Nếu chỉ nói câu “xin lỗi” không thôi thì quá dễ vì trẻ chỉ cần đơn giản nói ra mà không cần phải suy nghĩ nhiều về hành động của mình. Giúp trẻ tìm cách sửa chữa lỗi lầm của mình bằng hành động sẽ mang đến cho trẻ một thông điệp mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nếu bạn nhận thấy con của bạn cư xử xấu với ai đó, hãy giúp bé nghĩ ra cách nào đó để bù đắp. Có thể bé sẽ phải tặng một chiếc ô tô đồ chơi của bé cho người bạn vừa bị bé vừa phá hỏng đồ chơi. Có thể bé sẽ vẽ một bức tranh tặng em gái mình sau khi chót trêu chọc em mình. Khi khuyến khích bé có những cử chỉ như vậy, bạn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cư xử với những người khác một cách công bằng – một phẩm chất quan trọng sẽ giúp con bạn vững vàng trong một thế giới phức tạp của các mối quan hệ với các bạn bè cùng trang lứa sau này.

PHẨM CHẤT 3: TÍNH QUYẾT TÂM

Khuyến khích bé sẵn sàng tiếp nhận thách thức. Bé Jake 5 tuổi khoe với mẹ một bức tranh bé mới vẽ với hộp sáp màu mới. “Bức tranh này rất sáng sủa và màu sắc vui mắt”, mẹ nói với bé “Được đấy!”. Jake lại chạy về phòng và vội vàng vẽ một bức tranh khác đem ra khoe mẹ để được khen, rồi lại một bức nữa.“Mỗi bức con vẽ sau lại cẩu thả hơn bức trước đấy”, mẹ bé nói “Mẹ chẳng biết phải nói gì cả”. Mẹ bé Jake có thể có cách nói khác tốt hơn như “Jake này, bức tranh mới này con vẽ không được cẩn thận bằng bức trước đâu. Con đã cố gắng hết sức chưa?” Tính quyết tâm là một phẩm chất mà bạn có thể khuyến khích trẻ xây dựng cho mình từ khi còn nhỏ. Cách dễ nhất để làm việc đó là tránh khen ngợi quá nhiều và cho trẻ những lời nhận xét trung thực một cách nhẹ nhàng. Một cách hiệu quả khác có thể giúp trẻ phát triển tính quyết tâm là khuyến khích chúng làm những việc không dễ dàng với chúng và khen ngợi trẻ khi chúng có những sáng kiến mới. Ví dụ như nếu như con trai của bạn hay ngượng nghịu, bạn kín đáo khuyến khích bé ra chơi với các trẻ khác ở sân chơi ngay cả khi bé cảm thấy e ngại và sợ sệt. Nếu con gái của bạn dễ cáu giận, hãy dạy bé cách kiềm chế cơn cáu giận của mình như hít một hơi thật sâu và đếm từ 1 đến 10. Hãy chúc mừng các bé khi chúng làm được những việc không hề dễ dàng đối với chúng. Những đứa trẻ được nghe những câu như “Con làm tốt đấy. Bố/mẹ biết việc ấy khó mà” sẽ trở nên dũng cảm hơn nhờ sự công nhận của bạn và sẽ trở nên quyết tâm hơn với những thử thách mới.

PHẨM CHẤT 4: BIẾT NGHĨ TỚI NGƯỜI KHÁC

Dạy bé biết nghĩ về cảm xúc của những người khác. Anne rất bực với hai cô con gái lên 3 và lên 4 của mình vì chúng luôn đánh nhau mỗi lần đi siêu thị với mẹ. “Cuối cùng tôi phải đề nghị hai đứa nghĩ ra cách gì đó để chúng tôi đi mua thực phẩm mà không làm ai bị khó chịu, kể cả mẹ”, Anne chia sẻ. Mẹ hỏi các bé xem có nghĩ ra cách nào để mỗi một lần đi chợ là một lần vui vẻ cho cả nhà. Cô chị 4 tuổi gợi ý rằng hai chị em sẽ mang bim bim từ nhà đi để khỏi phải mè nheo xin mẹ mua bim bim ở siêu thị. Cô em 3 tuổi nói nó sẽ hát khe khẽ cho nó nghe để tự cảm thấy vui vẻ. Hai đứa trẻ rất nhớ những lời hứa của mình và chuyến đi siêu thị lần sau dễ chịu hơn rất nhiều. Khi rời khỏi cửa hàng, đứa em hỏi ngay mẹ “Hôm nay mẹ có thấy bực mình không mẹ?” Anne nói cô cảm thấy rất tuyệt vì ai cũng cư xử dễ chịu, không ai cãi cọ ai cả. Những tình huống nho nhỏ như thế này sẽ giúp trẻ học được sự quan tâm đến cảm xúc của người khác. Dần dần, ngay cả trẻ ở lứa tuổi rất nhỏ cũng nhận ra rằng cách nói và hành động có thể làm cho người khác vui và cảm thấy dễ chịu và khi bé đối xử tốt với ai đó thì người đó cũng sẽ cư xử tốt với bé. Những tín hiệu này sẽ khuyến khích bé thực sự biết quan tâm đến mọi người.

PHẨM CHẤT 5: YÊU THƯƠNG

Hãy rộng lượng với tình yêu của bạn. Cha mẹ thường hay tin rằng trẻ em rất dễ dàng thể hiện tình yêu của mình. Điều này đúng, nhưng để tình yêu đó lâu bền nó cần phải có đi có lại. Thật đáng buồn khi nhận ra rằng cuộc sống hiện đại bận rộn đã làm cha mẹ quên đi câu nói “Bố/mẹ yêu con”. Bạn hãy cho trẻ những cơ hội được thấy bạn thể hiện tình yêu và tình cảm dành cho mọi người xung quanh bạn. Hãy ôm và hôn người bạn đời của mình khi có các con ở quanh bạn. Hãy nói với trẻ về tình cảm của bạn với ông bà, cô dì, chú bác và các anh em họ hàng và đừng để một ngày trôi qua mà không thể hiện tình cảm của bạn với trẻ. Hãy làm điều đó bằng nhiều cách khác nhau: một mẩu giấy ghi lời nhắn trong đồ ăn bạn chuẩn bị cho bé, một trái tim gắn ở gương buồng tắm để bé nhìn thấy mỗi khi đánh răng, ôm hôn bé mà không cần lý do đặc biệt gì. Đừng cho phép những buổi sáng vội vã hay những buổi chiều mệt mỏi lấy đi của bạn những cử chỉ yêu thương. Tôi dám chắc với bạn rằng bạn càng nói nhiều với con câu “bố/mẹ yêu con” thì bạn lại càng được nghe nhiều hơn câu nói âý từ con bạn. Bạn tặng cho con càng nhiều cái ôm hôn thì gia đình của bạn càng có nhiều tình yêu thương và sự chia sẻ. Và khi con cái chúng ta cảm thấy việc thể hiện tình yêu của chúng đối với cha mẹ thật dễ dàng và tự nhiên thì có nghĩa là chúng ta đã khơi dậy được trong trẻ giá trị tuyệt vời nhất trên đời này.

(Dịch từ bài 5 Values You Should Teach Your Child by Age Five from Parents Magazine)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *