CÁC HOẠT ĐỘNG THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT CHO TRẺ
Để trẻ mầm non có thể tiếp thu tốt kiến thức và học tập hiệu quả thì trước tiên các con cần có một cơ thể khỏe mạnh, thể lực tốt, đầu óc minh mẫn và luôn năng động. Phát triển thể chất là yêu cầu quan trọng giúp cơ thể non yếu của trẻ trở nên cứng cáp, dẻo dai hơn và tăng sức đề kháng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh. Phụ huynh nên cân bằng giữa việc để con học tập nâng cao trí tuệ và hoạt động rèn luyện thể chất nhằm tạo ra sự phát triển toàn diện cho trẻ.
3 MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT CHO TRẺ MẦM NON
Rèn luyện thể lực để tăng cường sức khỏe, trao dồi trí lực
Cơ thể trẻ nhỏ vốn yếu ớt và các cơ quan chưa hoàn thiện đầy đủ các chức năng như người trưởng thành. Hoạt động thể chất kích thích sự phát triển của xương, tăng mật độ xương giúp xương cứng cáp, cải thiện chiều cao, tăng oxy đến các bộ phận trong cơ thể giúp trao đổi chất tốt hơn. Sức đề kháng của trẻ cũng sẽ được cải thiện, bảo vệ con trước những tác nhân gây bệnh từ môi trường sống xung quanh.
Thường xuyên vận động tay chân, chơi thể thao sẽ làm tăng lượng máu và oxy lên não, thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thần kinh trong vùng hồi hải mã, cải thiện khả năng ghi nhớ thông tin và tư duy ở trẻ.
Hình thành thói quen vận động giúp trẻ năng nổ, hoạt bát hơn
Nếu được tạo thói quen vận động ngay từ nhỏ, trẻ sẽ có xu hướng duy trì việc này khi chúng lớn lên, từ đó giúp hình thành nếp sống lành mạnh và ý thức bảo vệ sức khỏe. Có thể chọn cho trẻ một bộ môn thể thao để trẻ theo đuổi và chinh phục, không chỉ rèn thể lực, nó còn giúp trẻ rèn tính cách, sự kiên trì và tạo thêm nhiều mối quan hệ xã hội.
Phát triển tính cách và tâm hồn
Thể thao giúp rèn luyện ý chí vượt khó, sự nỗ lực để chiến thắng bản thân, không dễ dàng bỏ cuộc trước những thử thách. Trẻ có thể dễ dàng bộc lộ hết cảm xúc, biểu hiện tính cách rõ ràng và hoàn thiện tâm lý. Từ đó, ba mẹ sẽ nhận ra những tính cách không phù hợp và giúp con điều chỉnh.
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT CHO TRẺ
- Vận động chạy nhảy, vui chơi tại khu vực có không gian rộng lớn như công viên, sân chơi, bãi biển,…thúc đẩy sức mạnh, sự cân bằng và khả năng phối hợp cơ thể của trẻ.
- Ba mẹ có thể đạp xe cùng con bằng cách trang bị xe đạp thăng bằng, mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho trẻ. Đạp xe giúp trẻ vận động toàn thân, tăng cường sức mạnh bắp chân và biết chú ý quan sát.
- Chuẩn bị mô hình trò chơi liên hoàn đơn giản với thùng các tông lớn và chắc. Trẻ có thể leo lên thùng, bò qua ruột thùng hoặc đẩy thùng vòng quanh nhà, khu vực vui chơi.
- Cho trẻ tiếp xúc với các dụng cụ thể thao như bóng ném, bóng tennis, gậy đánh bóng,…Ba mẹ có thể ném bóng hoặc lăn bóng đi và yêu cầu trẻ đuổi theo để nhặt lại.
- Cùng trẻ đi dạo, đi bơi, hoặc chơi một số môn thể thao đơn giản. Đây cũng là cách giúp trẻ thường xuyên vận động tay chân, rèn thể lực.
Trên đây là một số hoạt động giúp phát triển kỹ năng vận động thô. Ba mẹ cũng có thể xây dựng các kỹ năng vận động tinh cho trẻ thông qua các trò chơi xếp tháp, chơi đất nặn, tập vẽ, tô màu, viết chữ,…Không chỉ giúp con phát triển toàn diện, cùng con tham gia các hoạt động sẽ thêm nhiều thời gian bên con, để tuổi thơ trẻ luôn hạnh phúc và tươi đẹp.