Giáo dục nhân cách trẻ 4 tuổi

Các nhà nghiên cứu Phật giáo đã chỉ ra và khẳng định, sự phát triển nhân cách con người diễn ra có tính quy luật theo từng lứa tuổi, bắt đầu từ khi còn là bào thai cho đến lúc trưởng thành. Mỗi giai đoạn phát triển đều có những đặc điểm riêng biệt, và phương thức giáo dục cũng như nội dung giáo dục phải phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

NHÂN CÁCH ĐƯỢC TẠO THÀNH TỪ NHỮNG ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN

Bước đầu tiên trong giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ thể hiện trong khả năng hành động theo động cơ gián tiếp, và ảnh hưởng bởi khuôn mẫu hành vi của những người mà trẻ thường xuyên tiếp xúc, như cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Vì những ấn tượng ban đầu tạo nên nhân cách trẻ thơ sẽ lưu lại trong trí nhớ của chúng, nên người lớn cần thận trọng với hành vi và lời nói của mình, trẻ sẽ bắt chước theo, bất kể điều đó tốt hay xấu. Hãy tận dụng điều này để giúp trẻ học những thói quen tốt và cách cư xử hay từ chính bạn và những người mà trẻ tiếp xúc. Hãy từ từ chỉ cho bé biết cái gì nên và không nên, đúng và sai, những gì bé được làm hay không được làm, có thể bé chưa tiếp nhận được hết nhưng nó cũng tạo cho bé những ý thức ban đầu.

GIÁO DỤC NHÂN CÁCH THÔNG QUA CÁC TRÒ CHƠI

Cha mẹ phải tập trung chú ý và quan tâm nhiều hơn đến việc trẻ ham thích trò chơi, thông qua việc tiếp xúc với trò chơi mà định hướng ý thức chúng vào việc học tập. Có thể dạy trẻ những gương tốt về đạo đức qua việc kể truyện cổ tích, thần thoại, bước đầu chỉ ra các nhân vật thiện – ác kích thích trí tưởng tượng và tình cảm của trẻ thơ. Khi đọc thơ, kể truyện nhớ giảng giải cặn kẽ cho trẻ những đạo lý trong cuộc sống.

Ở độ tuổi này trẻ đã biết chơi chung với bạn cùng lứa và biết tranh giành, cãi cọ nhau. Trong trường hợp không nguy hiểm, cha mẹ hãy đứng sang một bên để các bé tự giải quết mâu thuẫn. Việc để trẻ tự giải quyết những khó khăn của chính mình là phương pháp tốt nhất giúp chúng rèn luyện tính tự lập và tự tin vào bản thân.

Trẻ thường coi bố mẹ là “thần tượng” của mình. Chúng luôn muốn giống y hệt người lớn, chính vì vậy để giáo dục con trẻ thành một nhân cách tốt, cha mẹ cần phải tự hoàn thiện mình để xứng đáng với vai trò “thần tượng” của con. Khuyến khích trẻ chơi các trò chơi đóng vai là cách nhanh nhất giúp trẻ nhận thức được các mối quan hệ xã hội, quy tắc xã hội cũng như học được cách ứng xử xã hội.

KHEN – THƯỞNG HỢP LÍ

Có thể dạy cho trẻ hiểu, sau đó khuyến khích chúng tự làm những việc nhỏ như mặc quần áo. Nếu không để trẻ làm những việc chúng có thể làm được hoặc bạn can thiệp quá nhiều sẽ khiến trẻ ỷ lại.

Cha mẹ cũng không nên lạm dụng khen – thưởng bằng vật chất, hoặc không làm cho trẻ hiểu giá trị của phần thưởng. Điều này sẽ gây ra động cơ ích kỷ khiến chúng chỉ làm việc gì đó có thể được thưởng. Cha mẹ có thể đơn giản khen ngợi con bằng lời nói, cử chỉ âu yếm và thái độ trân trọng của mình.

Chẳng hạn như khi trẻ giúp mẹ việc gì, mẹ có thể nói “Cảm ơn con, con của mẹ thật là ngoan”. Thời điểm này trẻ rất quan tâm, chú ý đến những nhận xét của mọi người về bản thân mình. Cha mẹ nên lưu ý điều này, không nên khen, chê trẻ với người khác khi có mặt trẻ, để tránh cho chúng có những thái độ không chính xác về bản thân (tự ti hoặc tự kiêu…).

Trên đây chỉ là một vài lời gợi ý cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục nhân cách trẻ thơ. Tất nhiên, việc áp dụng còn tùy từng trường hợp cụ thể, không nhất nhất là trẻ nào cũng giống trẻ nào vì mỗi bé có những tính cách và khả năng nhận thức khác nhau. Vì thế cha mẹ nên tham khảo các phương pháp rồi xem cái nào phù hợp với con mình thì sử dụng.

Nhưng dù với cách dạy dỗ nào, cha mẹ cũng luôn phải lưu ý rằng trẻ còn cần sự quan tâm, tình yêu thương của cha mẹ, vì tình yêu thương và sự hòa thuận của gia đình là nơi tốt nhất để nuôi dưỡng nhân cách trẻ thơ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *