Phòng chống thừa cân béo phì ở độ tuổi mầm non


Thừa cân, béo phì không chỉ gây ra những trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hướng rất nhiều đến tâm lý và sức khỏe của trẻ. Ba mẹ nào cũng muốn con mình “ăn mau chóng lớn” nên khi thấy trẻ ăn khỏe, ăn nhiều lại không nỡ kiểm soát hay ngăn cấm con. Tuy nhiên, muốn trẻ phát triển cân đối và khỏe mạnh, ba mẹ cần cho con ăn đúng và đủ dinh dưỡng, không để việc ăn uống mất kiểm soát cũng như tạo điều kiện để con thường xuyên vận động thể lực ngăn ngừa dư cân, béo phì.

NHỮNG HẬU QUẢ KHÔNG NGỜ TỚI CỦA THỪA CÂN, BÉO PHÌ

Không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, khả năng vận động, thừa cân béo phì còn là bắt nguồn của hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm cho trẻ về sau:

Thoái hóa khớp, đau thắt lưng: trẻ dư cân, cơ thể nặng nề sẽ làm tăng sức nặng đè lên các khớp nối nhất là vùng cột sống, khớp háng, đầu gối, cổ chân,…khiến chúng dễ bị tổn thương và thoái hóa sớm, gây ra đau đớn khi vận động thậm chí cản trở sinh hoạt hàng ngày.

Ảnh hưởng hệ nội tiết và chuyển hóa: trẻ béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về tiểu đường, tim mạch, huyết áp,…do tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng axit uric gây ra bệnh gút.

Ảnh hưởng tâm lý của trẻ: với thân hình mũm mĩm, quá khổ của mình trẻ sẽ rất dễ bị chọc ghẹo khi đến trường. Tuy trẻ nhỏ vô cùng ngây thơ nhưng chúng cũng có suy nghĩ và dễ mặc cảm nếu bị trêu đùa, chọc ghẹo thường xuyên. Thêm vào đó, việc vận động khó khăn khiến trẻ không còn muốn vui chơi cùng bạn bè, dần trở nên thụ động, tự cô lập mình dẫn đến việc chán ghét đi học hoặc trầm cảm.

DINH DƯỠNG HỢP LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC NGỪA THỪA CÂN BÉO PHÌ

  • Ngay từ khi thai nghén ba mẹ nên có kế hoạch dinh dưỡng hợp lý để trẻ không gặp phải tình trạng thiếu hoặc thừa dinh dưỡng. Trong giai đoạn 6 tháng từ khi chào đời, nên cho trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn, tiếp tục bú kéo dài đến 24 tháng và ăn bổ sung đúng cách, đúng thời điểm để trẻ phát triển tối đa.
  • Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ phải cân đối giữa các nhóm đường bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây vì những nhóm thực phẩm này rất ít calo lại giàu chất xơ, khiến trẻ cảm thấy no lâu và hạn chế ăn vặt.
  • Những bữa phụ trong ngày nên đầy đủ dinh dưỡng thay vì cho bé mãi mê tiêu thụ thức ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, nước uống có ga,…Không cho trẻ ăn khuya sau 8 giờ tối và lượng thức ăn mỗi bữa phải hợp lý.
  • Khuyến khích trẻ vận động thể lực, vui chơi ngoài trời thay vì sử dụng thiết bị điện tử cả ngày. Hoạt động thể chất không chỉ giúp giải phóng mỡ thừa, mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất khiến cơ thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tăng đề kháng, sự khỏe mạnh cho từng tế nào.

Nuôi con khôn lớn thật khỏe mạnh và thông minh không phải là điều dễ dàng! Để làm được điều này, ba mẹ cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về dinh dưỡng, hiểu được sự phát triển thể chất và thay đổi tâm lý của trẻ qua từng độ tuổi. Phòng chống thừa cân béo phì từ độ tuổi mầm non là điều vô cùng cần thiết để giúp trẻ lớn lên thật khỏe mạnh, năng động và hạn chế nhiều nguy cơ bệnh tật.


Trường Mầm Non Yêu Con _ Loving Space Kindergarten School
☎️ Hotline: 090 669 27 29
🌼 Chi Nhánh :
  • 19 Đường số 3, Phường Bình An, TP. Thủ Đức (Quận 2) – (028) 3740 2738 – (028) 3740 2739
  • 729/6 Đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phú Hữu,TP. Thủ Đức (Quận 9) – (028) 3535 1148 – 0906 692 729
  • 436B/24 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, TP.HCM – (028) 3979 7889 – (028) 3979 7890

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *