Nếu con có những hành vi không tốt như: thiếu tôn trọng và không nghe lời, lắng nghe nhưng có thái độ thách thức hoặc cố ý không tuân theo yêu cầu của ba mẹ. Ba mẹ hãy thực hiện 6 điều để con có tính kỷ luật.
Thấy con có vẻ thờ ơ hoặc phớt lờ những yêu cầu của mình, ba mẹ nhanh chóng qui cho con tội hư hỏng hoặc tỏ thái độ không chấp nhận được. Nhưng ba mẹ có biết, đôi lúc những phản ứng đó của con chỉ là thể hiện tình trạng chưa đạt tới sự trưởng thành như một người lớn. Thực hiện 6 điều để con có tính kỷ luật và giúp con có thái độ tốt ở nhà, ở trường và nơi công cộng.
Hiểu đúng ý nghĩa của “kỷ luật”
Từ trước đến nay, hễ nhắc đến hai từ “kỷ luật” thì rất nhiều người thường hiểu theo chiều hướng tiêu cực là “trừng phạt”. Nhưng thực tế, kỷ luật mang ý nghĩa là “dạy dỗ”, “chỉ bảo”. Đó là quá trình dạy con của ba mẹ, loại hành vi nào được chấp nhận và loại nào không được chấp nhận. Nói cách khác, kỷ luật dạy con tuân theo các quy tắc.
Rèn luyện tính kỷ luật cho con, chính là giúp con có cách cư xử đúng hơn, có nề nếp trong sinh hoạt hàng ngày.
- Thống nhất cách thức kỷ luật giữa ba mẹ
Trước khi thực hiện 6 điều để con có tính kỷ luật, ba mẹ có thể dành thời gian để trao đổi và thống nhất với nhau về các cách thức hoặc mức độ kỷ luật. Mặc dù điều này hoàn toàn không dễ, vì mỗi người đều có tính cách, quan điểm và hướng tiếp cận khác nhau. Nhưng việc làm này rất cần thiết, thậm chí là bắt buộc phải đạt được nếu muốn có sự thông suốt trong việc giáo dục và kỷ luật con cái.
Thử tưởng tượng, khi con đứng trước một vấn đề mà ở đó ba thì bảo “có”, còn mẹ lại nói “không”, cộng thêm sự khó chịu hiện rõ trên nét mặt thì chuyện gì sẽ xảy ra? Con sẽ cảm thấy thật sự bối rối, chẳng biết nên nghe lời hoặc làm theo ai, và cuối cùng có thể con đã đưa ra quyết định là… làm theo ý mình. Vô tình một hạt giống “thiếu kỷ luật” được gieo vào con.
- Nói chuyện với con một cách tích cực
Đôi lúc, con có thể còn quá nhỏ để hiểu điều gì được phép và không được phép nếu chỉ thông qua việc răn dạy lý thuyết. Ba mẹ có thể tức giận khi con có những cách cư xử không phù hợp hoặc không đúng như mong đợi, tuy vậy ba mẹ cần tự hỏi rằng “liệu có còn giải pháp nào khác hơn sự tức giận và la mắng không?”.
Chỉ những câu chuyện, những lời chỉ bảo nhẹ nhàng, thân thiện và tích cực mới mong có thể “lọt tai” và đi vào bên trong tâm hồn của đứa trẻ. Chẳng hạn: “Con nghe bố nói này, con không được tự ý lấy điện thoại của bố, vì như thế là không lịch sự. Nếu con muốn dùng điện thoại, con chỉ cần hỏi xin phép bố trước, con thấy thế nào?”.
Dù con chưa hợp tác, nhưng ba mẹ vẫn nên kiên trì nói chuyện với con một cách tích cực nhất.
- Động viên và khích lệ
Một số ba mẹ dùng những cách thức luôn kèm theo sự đe dọa để buộc con phải vâng lời hoặc để con sợ mà phải làm theo. Các lý thuyết tâm lý và giáo dục hiện đại đều khẳng định rằng sự khích lệ, động viên mới thật sự là điều cốt lõi và mang lại hiệu quả cao khi ba mẹ muốn có được sự hợp tác từ con.
Chẳng hạn, thay vì dọa “sau khi chơi xong mà con không xếp đồ chơi gọn vào hộp thì mẹ sẽ mang đồ chơi cho bạn Tí hàng xóm”, mẹ hãy nói nhẹ nhàng: “Ồ, con giỏi quá. Con xếp đồ chơi còn nhanh hơn cả mẹ đấy!”. Hoặc “Mẹ rất là hài lòng khi thấy con xếp đồ chơi gọn gàng vào hộp khi con chơi xong”.
Uốn nắn nhẹ nhàng bao giờ cũng mang lại hiệu quả cao.
- Hãy tôn trọng trẻ
Nếu ba mẹ thể hiện sự tôn trọng với con – ngay cả khi kỷ luật con, con sẽ tôn trọng lại bạn, các thành viên khác trong gia đình và những người khác trong cuộc sống của con.
Nếu ba mẹ thể hiện sự bực tức hoặc phản ứng quá mức với sự thiếu tôn trọng con, con cũng cư xử theo cách ấy của ba mẹ.
- Tính nhất quán
Bất kỳ kỹ thuật nào cũng sẽ thất bại nếu ba mẹ không tuân theo hoặc thực thi các quy định một cách nhất quán. Ví dụ: Nếu con không nghe lời, ba mẹ nói rằng, con sẽ không được chơi món đồ chơi yêu thích trong khoảng một tuần. Vậy thì hãy thực hiện đúng như lời nói ấy.
Đừng phá vỡ các quy tắc kỷ luật của ba mẹ bằng cách nhân nhượng con, vì một khi đã được đáp ứng nhu cầu, con sẽ tiếp tục tái diễn thói quen xấu ở những lần sau.
- Trở thành cha mẹ gương mẫu
Có thể nói trong nhiều phương pháp giáo dục con, thì không lúc nào có thể bỏ qua phương pháp nêu gương. Con có thể không luôn luôn làm theo điều ba mẹ nói nhưng con có thể học theo và làm những điều con nhìn thấy từ ba mẹ của mình.
Bằng tình yêu thương vô điều kiện, ba mẹ có thể dễ dàng “thuần hóa” được bé yêu
Mặt khác, có lẽ điều ai cũng có thể công nhận là không có gì tuyệt đối và hoàn hảo trên cuộc đời này cả. Do vậy, trong vai trò làm ba mẹ, chúng ta không nhất thiết phải là một con người không bao giờ sai sót hoặc theo kiểu người luôn đúng. Không cần phải “gồng mình lên” để trở nên hoàn hảo trong mắt con, vì đến một lúc nào đó ba mẹ sẽ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và dễ phạm phải sai lầm. Tai hại hơn, con cũng có thể cố gắng đạt được “sự hoàn hảo” như ba mẹ thể hiện và có nguy cơ rơi vào sự thất vọng hoặc mặc cảm về bản thân.
Dũng cảm nhận lỗi và xin lỗi con khi ba mẹ làm điều không tốt, không đúng hoặc gây tổn thương cho con sẽ là một bài học cụ thể và về việc tuân giữ các quy tắc ứng xử tích cực của xã hội.
Hình phạt đòn roi thường không được khuyến khích bởi chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con, khiến con nghĩ rằng nó có thể làm tổn thương cơ thể của người khác. Các bậc cha mẹ hãy thực hiện 6 điều để con có tính kỷ luật như trên, cùng một trái tim yêu thương con vô bờ sẽ là hành trang quý giá giúp ba mẹ tự tin và vững vàng đồng hành cùng con trong cuộc đời./.
Nguồn: blog.generali-life.com.vn